Ngày 01-02/10/2021, Hội thảo quốc gia năm 2021 với chủ đề “Nghiên cứu và Giảng dạy Ngoại ngữ, Bản ngữ và Quốc tế học trong thời kỳ hội nhập” được tổ chức bởi Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng. Hội thảo là diễn đàn để các giảng viên và nhà nghiên cứu trao đổi thông tin khoa học, cập nhật và báo cáo kết quả nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt, ngoại ngữ và quốc tế học trong thời kỳ hội nhập. Hội thảo cũng sẽ là nơi tạo cơ hội giao lưu học thuật để thành lập các nhóm nghiên cứu liên ngành giữa các nhà nghiên cứu, các khoa chuyên môn, các trường đại học và viện nghiên cứu.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Hội thảo năm nay đã chuyển sang được chuyển sang hình thức trực tuyến, bắt đầu từ ngày 01/10/2021 với 05 báo cáo tại phiên tiền Hội thảo do các giảng viên, các nhà nghiên cứu Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Ngoại ngữ trình bày và tiếp tục hôm nay, ngày 02/10/2021, 130 báo cáo có hàm lượng khoa học chất lượng được mời tham dự và báo cáo tại 12 tiểu ban. Các báo cáo trình bày kết quả nghiên cứu đa dạng trên nhiều lĩnh vực như: nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ, ngoại ngữ, tiếng Việt như một ngoại ngữ; bồi dưỡng chuyên môn, phương pháp giảng dạy cho giáo viên; công nghệ và chuyển đổi số trong dạy-học ngoại ngữ; các vấn đề nghiên cứu và giảng dạy biên dịch, phiên dịch; kiểm tra, đánh giá trong dạy-học ngoại ngữ; quốc tế học, khu vực học; các vấn đề về văn hóa và liên văn hóa. Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng là một cơ sở giáo dục đại học đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục với sứ mạng đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa, văn minh nhân loại, góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Nhà trường luôn gắn kết công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học, xem nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ then chốt, khẳng định vị thế và học hiệu của một cơ sở giáo dục Đại học. Để thực hiện được mục tiêu này, bên cạnh việc thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học, Nhà trường luôn quan tâm đến việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật.
PGS.TS. Trần Hữu Phúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng phát biểu Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Hữu Phúc, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng khẳng định: “Tiếp nối thành công của Hội thảo Khoa học Quốc tế GLoCALL năm 2019 với chủ đề ‘Globalization and localization in computer-assisted language learning’; Hội thảo Quốc tế VietTESOL năm 2020 với chủ đề ‘Innovation and Globalization’, Hôm nay, ngày 02/10/2021 Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc gia năm 2021 với chủ đề ‘Nghiên cứu và Giảng dạy Ngoại ngữ, Bản ngữ và Quốc tế học trong thời kỳ hội nhập’. Trong thời gian qua, Nhà trường đã tổ chức thành công nhiều hội thảo mang tầm quốc gia, quốc tế như hội thảo quốc tế Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ; Hội thảo quốc tế giảng dạy tiếng Anh như một ngoại ngữ; Hội thảo Quốc gia “Tích hợp Ứng dụng Công nghệ Thông tin và Truyền thông vào xây dựng và phát triển đề cương môn học trong chương trình đào tạo cử nhân sư phạm tiếng Anh”; Hội thảo quốc tế giảng dạy tiếng Anh – Đổi mới và toàn cầu hóa. Thành công trong các hội thảo trên đã khẳng định nguồn lực của nhà trường trong việc thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tại các diễn đàn học thuật, Nhà trường cũng hướng tới các hoạt động hợp tác, trao đổi học liệu, tài liệu giảng dạy; trao đổi giảng viên, đặc biệt chào đón các chuyên gia tình nguyện và giảng viên bản ngữ đến giảng dạy và tham gia các dự án nghiên cứu; đồng chủ trì, hợp tác tổ chức các hội thảo và hội nghị về phương pháp giảng dạy ngôn ngữ cũng như nghiên cứu văn hóa quốc tế và khu vực…”
PGS.TS. Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng phát biểu Tại Hội thảo, PGS.TS. Lê Quang Sơn – Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng khẳng định: “Trường Đại học Ngoại ngữ 1 trong 6 trường thành viên của Đại học Đà Nẵng, là 1 trong 3 trường đại học chuyên về đào tạo ngoại ngữ tại Việt Nam từ lâu đã có bề dày trong nghiên cứu và đào tạo nhân lực về ngoại ngữ, quốc tế học cho miền Trung Tây nguyên và cả nước. Mặc dù đại dịch Covid đang có những diễn biến rất phức tạp, thành phố Đà Nẵng vừa trải qua những ngày giãn cách nghiêm ngặt, giảng viên, sinh viên phải giảng dạy học tập trực tuyến tại nhà nhưng Hội thảo quốc gia lần này đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học trong và ngoài nước. Tôi rất vui mừng khi có đến gần 140 báo cáo tại các phiên toàn thể, các phiên tiền hội thảo, các phiên báo cáo tại 12 tiểu ban của gần 200 nhà khoa học giảng viên giáo viên từ rất nhiều viện, các trường đại học trên khắp cả nước đã tham dự. Có thể nói đây là một trong những sự kiện khoa học có quy mô lớn được tổ chức tại một trường đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra hết sức phức tạp. Tôi hy vọng diễn đàn này trong tương lai sẽ trở thành một diễn đàn trao đổi học thuật mang tính thương hiệu và thường niên của Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHĐN, để Nhà trường là điểm đến uy tín dành cho các nhà khoa học, giáo viên, giảng viên trao đổi thông tin khoa học, cập nhật và công bố các kết quả nghiên cứu giảng dạy trong lĩnh vực tiếng Việt, ngoại ngữ & Quốc tế học thời kì đổi mới hội nhập của đất nước.
Các báo cáo tại phiên toàn thể Hội thảo đã kết thúc thành công với các hoạt động báo cáo và trao đổi diễn ra sôi nổi trong 2 ngày làm việc (ngày 01&02/10/2021). PGS.TS. Trần Hữu Phúc gửi lời cảm ơn đến tất cả thành viên tham dự, cảm ơn các nhà tài trợ, các đồng nghiệp và các khoa, phòng chức năng của Nhà trường đã có những đóng góp tích cực, góp phần mang lại thành công của Hội thảo. Đặc biệt cám ơn GS.TS. John Macalister – Đại học Victoria Wellington, New Zealand, GS.TS Hoàng Khắc Nam – Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS. GS.TS Nguyễn Ngọc Chinh – Trường Đại học Ngoại ngữ – ĐHĐN đóng góp cho Hội nghị với tư cách là diễn giả chính. Hy vọng Hội thảo là diễn đàn để các nhà nghiên cứu, giảng viên và giáo viên khắp cả nước chia sẻ những kiến thức, phương pháp mới trong nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, bản ngữ, khu vực học và quốc tế học.